Chuyển đến nội dung chính

Sống trên cà kheo


Sống trên cà kheo  
Bạn hỏi tôi vì sao khoa học càng phát triển con người càng hung ác. Vì sao những tác phẩm chống tiêu cực lại bị lép vế. Vai trò của văn học và vai trò của chính bạn, một người viết văn trước thực trạng xã hội. Tôi nhỏ bé trước cái mênh mông của thực trạng xã hội . Biết trả lời với bạn sao đây.
Tôi nhớ năm tôi chín mười tuổi gì đó, khi vào chùa, nhìn tranh vẽ cảnh mười hai cửa ngục, tôi sợ lắm. Tôi nghĩ mình không nên vi phạm, không nên vào địa ngục. Lớn một chút tôi được dạy không có địa ngục, không có tiên phật. Vậy là tôi chẳng sợ gì nữa, vô tư gieo thù chuốc oán…Khuất mắt mọi người, tôi ham một cây viết mới của bạn, vậy là vói tay lấy. Tôi đủ ma lanh để biết mình làm cái gì được khen, làm cái gì thì bị chê. Nên chỉ biểu diễn giữa mặt trời những điều thuận mắt mọi người. Còn những thứ người khác lên án tôi làm trong bóng tối, lúc khuất sau một bình phông nào đó. Mọi thứ cứ chấp chới, mù mờ, bất ổn, dưới mắt tôi. Tôi càng học, càng làm việc, càng thấy rối ren, u mê, càng thân thiện với bóng tối. Sau những va vấp tưởng như chết đi sống lại, tôi trả lời được câu hỏi, trên đầu mình có trời, phật, tiên, thánh hay không...?
Đó là những gì rất thật trong chính cuộc đời tôi. Nói nhiều như vậy để trả lời câu bạn hỏi, vì sao con người ngày càng ác. Khoa học cố công làm ra được nhiều phương tiện để phục vụ cho con người, đồng thời cũng chứng minh không có thiên đường địa ngục. Nhưng chính điều đó đã đẩy loài người đi xa vòng tay nhân ái của tạo hóa. Chúng ta hủy diệt thiên nhiên để đời sống vật chất của chúng ta dồi dào. Thiên nhiên đang mất cân đối. Và chúng ta đang hứng chịu những bất bình của nó. Thời tiết không thuận lợi, mùa màng thất bát, không khí, thức ăn ngày càng độc địa, bệnh hoạn thất thường. Hỏi những con người sống trong môi trường đó có thể hiền từ được không.
 Chúng ta như những người đang sống trên cà kheo và phía dưới là đầm lầy không đáy. Những họng cá sấu ngoại cỡ mang tên bệnh hoạn, nghèo túng, rẻ rúng, mất mát, thiệt thân… đang nhe răng nhọn chờ đón. Trong khi đó trên đầu không còn đấng thiêng liêng nào để tin tưởng, để chờ trông chờ sự xuất hiện của cổ tích. Vì không có phật trời mà. Chúng ta đang phải ngày đêm lo sợ, lúc nào đó con cháu chúng ta không phải là một số ít người còn tồn tại được trên hành tinh ngày càng nghèo nàn này. Cần phải có cái gì đó bảo hiểm.Thứ bảo hiểm đó là tiền. Càng nhiều càng tốt. Hay là khả năng đạp lên đầu thiên hạ giành lấy được nhiều tiền càng tốt. 
Tiền có khắp nơi. Những người thông minh biết cách lấy từ tự nhiên. Nhưng không mấy người đủ bình tâm, đủ nhẫn nại để đánh thức, khai thác cái vốn rất phong phú trong não bộ. Phần lớn thích vơ vét từ túi người khác đưa vào túi mình bằng nhiều trò, mua gian bán lận, đổi chát bằng thân xác, xin xỏ, lừa lọc, cướp bóc...
Những người theo tôn giáo có người đang dần buông lỏng đường tu, vì họ thấy lắm người buôn thần bán thánh mặc nhiên phè phỡn… Mình tuân thủ nghiêm ngặt theo giáo điều giáo lý nghèo cứ hoàn nghèo. Nghèo thì cho dù có đạo hay không đạo cũng đều bị chèn ép.
Thêm vào đó chúng ta đang nổ lực phổ cập giáo dục. Thay vì bắt đầu phổ cập đạo đức cho thế hệ làm thầy trước. Chúng ta đẩy người thầy lên cà kheo, xô họ ra đầm lầy với những mớ xác chữ. Những người thầy đã bị tước mất hồn, đứng sớ rớ trên bục, dạy hết lớp này tới lớp khác. Những cái họ truyền được cho học trò chỉ là cái vỏ ngôn ngữ. Những đứa học trò có vỏ không nhân này ra đời cũng chỉ làm được những việc nặng hình thức, ồ ạt số lượng, chất lượng là rỗng không hay thối nát. Những xác người này rải khắp các tầng lớp từ thấp đến cao… Không ngành nghề, lĩnh vực nào là không thấy. Và những cái xác đó đang hấp thụ âm hồn của xã hội kim tiền. Thế thì ác báo nào không dám làm.
Vai trò của người cầm bút là tìm lại hồn cho cộng đồng, mong muốn số đông ấy về lại vòng tay cha trời mẹ đất. Mở ra một thế giới mà ở đó con người bình tâm hơn, hiểu đúng mình cần gì, sống để làm gì. Thật ra rất bình dị, rất văn minh, rất tự do….  Nhưng người cầm bút cũng chung số phận cuộc đời, vừa viết vừa run trên cà kheo. Có bao nhiêu điều kiện để lòng được lắng lại, hồn vía được đáo về. Thành ra tác phẩm làm ra, xê trịch trên đấy vẫn có thể chỉ là xác chữ.
Những tác phẩm chống tiêu cực phần lớn là viết trong một trạng thái căm phẫn cao độ. Lời lẽ nặng nề. Nó như một thứ đại bác nã vào thành. Chỉ được những người ngoài cuộc vỗ tay. Người trong cuộc đóng kín cửa, xây cao thành và nổ lực phản công. Kết quả là cuộc ấu đả hỗn loạn diễn ra trong cái không gian vốn rất hỗn loạn của xã hội.  
Câu bạn hỏi tôi về vai trò của chính tôi, người cầm bút, làm tôi cũng phải ngừng lại hỏi chính mình? Mình nghĩ gì khi viết. Thật ra tôi không có tham vọng ngòi bút của mình có thể cãi sửa được xã hội. Vì những người thật sự cần được nắn nót lại đang bận bịu lắm, tất bật lắm với guồng máy của địa vị, danh vọng.Tôi chỉ mong từng trang viết hạ dần dần cái cà kheo trong lòng mình và lòng ai đó có duyên. Vì tôi cũng  như tất cả mọi người. Lúc tỉnh tuồng thấy mình vững chải an nhiên. Nhưng lúc trái giỏ trở trời, chính mình lại đẩy mình lên cà kheo, vừa làm việc vừa lắc lư cùng vô vàn những điều lo lắng. 
 Võ Diệu Thanh

Nhận xét