Chuyển đến nội dung chính

Em đã yêu Ka Rim

 Từ hồi tôi theo chồng, má và em tôi chuyển về sống nơi khác, tôi ít có dịp về xứ. Mấy người bạn nói: “Sanh ra ở Châu Phong à? Nghe nói Chăm nhiều lắm, về đó chơi đi”. Nhà tôi giữa hai xóm Chăm, ở đó còn khá nhiều bạn bè, bà con lối xóm. Nhắc tới quê, tôi chợt thèm gặp một gương mặt ngăm đen. Anh là người Chăm có hai mắt to như người Ấn Độ.
Xóm Chăm lạ hoắc. Nhà Da Pha nằm cặp con đường dẫn về tuyến dân cư mới, với những ngôi nhà sàn cao cẳng lợp tôn màu hồng tươi rói. Vợ Da Pha không đẹp nhưng vui tính. Dường như tục cấm cung đã không đá động tới đời chị. Thấy khách, miệng chị cười đầy, mắt sáng một vẻ tự tin.
- Da Pha hay dẫn khách về đây chơi lắm chị ơi!
Nhà của họ gọn nhưng dài. Bên trong đầy đủ tiện nghi, có cả máy nước nóng, máy hút bụi và máy giặt.
- Em không chịu mấy thứ này, tốn điện. Ảnh nói có nó em đỡ cực. Làm phụ nữ công việc nhà cửa bớt được cái nào đỡ cái đó. Chỗ bệnh viện nhiều thứ lắm, về còn bệnh nhân ở nhà, bà con trong xóm có mệt đi không nổi là ảnh chạy tới liền. Cực thấy thương. Nhưng ảnh cứ sợ em cực không hà.
Chị kể nhiều về chồng. “Hồi đó nhà ảnh nghèo lắm chị ơi. May mà có ông chú khá giả thấy ảnh ham học nên nuôi cho tới lớn”. Mấy người khách hết ồ rồi à khi nghe chuyện. Tôi vui cho vợ chồng Da Pha nhưng lại nhớ cái nhà sàn nống tre cao lêu nghêu của mẹ con anh hồi đó quá. Khung cảnh bây giờ lạ. Khó tìm thấy một cái gì của mười hai năm về trước. Nghĩ tới đó, tôi tự cười mình. Muốn tìm cái gì ở đây?
Thấy tôi bần thần, chị Cha Ri Giăh nói chắc đi đường mệt, dắt ra nhà sau rửa mặt. Nhìn ra hè, tôi buột miệng:
- Ô, chòm bứa...
Tôi thảng thốt như vừa gặp lại người xưa.
- À. Không mấy khi ăn nhưng Da Pha nhất định không đốn. Có người kêu ảnh trồng cây ăn trái rồi cho người ta mướn mở quán sân vườn, kiếm tiền được. Ảnh nói không. Để đám bứa vậy rụng lá quét chơi. Hình như người bạn gái đầu tiên của ảnh thích canh chua bứa...
Tôi chạm tay vào vòi nước mà giật mình như nước có điện. Tôi len lén nhìn mặt chị. Chị kể giống chuyện hai vợ chồng đang dọn dẹp nhà cửa chợt gặp lại một tờ lịch nào đó của mười mấy năm trước. Chồng biểu đừng đốt. Vậy là chị để yên đó, không hỏi vì sao. Nó có ảnh hưởng gì tới hôm nay đâu. Tôi yên tâm. Với người vợ kiểu vậy, Da Pha chắc là dễ chịu lắm. Cũng có khi những gì anh dành cho vợ đủ để chị tôn trọng tất cả những gì anh có, kể cả quá khứ.
Mà tôi đâu phải là người yêu đầu đời của Da Pha. Dù tôi mê canh chua bứa. Hễ nước lên, tôi với Da Pha làm một cái lồng bẻ bứa. Bẻ nhiều nhiều, về nấu tươi, còn dư xắt từng khoanh trải ra nia phơi nắng. Khi nó khô giòn, tách bỏ hột để vô keo, dành lúc nước vựt nấu đỡ ghiền.
Khi bứa cuối mùa, ít trái, Da Pha phải leo cây. Bẻ được vài trái nó đưa lồng về phía tôi (hồi đó tôi với Da Pha gọi nhau mày tao tới lớn, lịch sự dữ lắm là kêu tên). Tôi đưa rổ cho Da Pha trút bứa vô. Có một bữa nhìn thấy mấy trái bứa bự quá, tôi khoái, cười chành miệng, mắt sáng trưng. Da Pha nhìn tôi kỳ lắm. Nhìn lâu mà tôi không biết nó thấy gì, cho tới khi lồng hết trái mà nó cứ trút hoài, cho tới khi nó rớt xuống nước. Tôi mười tám nhưng còn vô tư. Thấy nó té vậy, khoái trong bụng, cười sằng sặc như con nít.
Khi ngoi lên, nó vừa cười vừa vuốt mặt, mắt nheo lại nhìn tôi. Không hiểu sao ngay lúc đó tôi thấy Da Pha hiền lành và người lớn gì đâu. Tự nhiên ngưng cười, còn đỏ mặt nữa. Lúc tiếp tôi bung miệng túi nilông trút bứa vô, tôi nghe nó hát: Hãy nói với muôn người Da Pha đã yêu em. Hãy nói với ông trời em đã yêu Da Pha.
Tôi trề môi nhưng trong bụng cười. Nếu thay tên Karim là tên Da Pha, bài hát thành ra bớt đi vẻ trữ tình vốn có. Nhưng tôi thấy vui vui. Tiếng em trong bài hát nghe lạ tai mà ấm. Có lẽ vì câu hát đó được phát ra từ cái miệng hay cười của nó. Ai có nước da đen hay màu bánh mật thường cười rất có duyên. Nhận định này hình như tôi rút ra được từ Da Pha.
Chuyện chỉ có vậy thôi. Ít ngày sau đã sanh ra vụ cãi cọ, nghỉ dòm tới nhau luôn. Còn trước nữa thì con nít thấy mồ. Gần như không đội trời chung.
Con nít xóm tôi đứa nào cũng giỏi lặn lội. Nhưng có lẽ tôi là đứa con gái duy nhất biết đâm ếch.
Ba tôi mất sớm, để lại cho má sáu đứa con đều thích đi học. Má phải làm mướn hết đồng nhà tới đồng bên cạnh để có tiền mua tập vở. Bọn tôi thì lặn lội mà lớn. Đi học về quăng cặp cái bẹp, quần cụt, áo ngắn tay, đeo sợi dây chì bên hông, rút cây chĩa dưới đà nhà, ôm khúc chuối lội phăng phăng ra hè.
Lúc đầu tôi đi câu. Nước lên chưa cao, tôi xách cái thùng thiếc lần theo mấy bụi tre sau hè đình câu dài xuống xóm Chăm. Nước lên càng cao, nhà tôi càng ngán ăn cá hơn. Cá rẻ rề, chỉ có thịt với rau cải thì mua không nổi. Thấy mấy anh trong xóm đâm ếch tôi khoái. Món này xào mặn nhà tôi ai cũng mê. Mà hễ tôi thích là không ai cản được.
Nước linh binh. Mấy con ếch sống được cả hai môi trường cũng bị thu hẹp dần chỗ ở. Tôi phát hiện tụi nó nổi hai con mắt lồi đầy trong mấy đám tre rừng chỗ xóm Chăm. Tụi con trai cũng ít dám tới mấy chỗ đó. Nhìn có vẻ vắng lặng, ma nhiều. Người lớn hay hù chỗ đó có nhiều ma lai rút ruột. Những con ma chỉ có cái đầu và chùm ruột, bay lướt trên đọt cỏ. Nó ăn phân của ai, người đó liền thành ma lai.
Tôi không sợ ma. Ví dụ có ma, tôi sẽ nắm chùm ruột nó lôi về nhà cho cả xóm coi. Nhưng tôi sợ “mấy thằng đực ăn hiếp” (má tôi hay nói vậy), nên đi vô khúc đó tôi rủ thêm Trần, em trai kế tôi, đi cùng. Nó bự con nhưng không gan bằng tôi. Được cái có tôi nó cũng chẳng sợ gì. Hai đứa chọc trời khuấy nước mấy chòm tre sau hè xóm Chăm một đỗi lâu.
Một bữa, tôi đang thả chĩa trên mặt nước nhắm ngay ức một con ếch bà đang đu mình trên cái cùi bắp nổi bập bềnh. Cái kiểu ngồi này của con ếch rất dễ ăn. Lúc nó ôm gốc tre hay đang bơi thì có khi trúng khi trật hoặc khi bị gốc tre cản. Nó đang ôm cùi bắp nhỏ, cái thân hình bự chảng của nó dư tùm lum, cứ phóng chĩa bằng hết sức lực, trúng hướng thì ăn tiền. Mà chĩa thả trên nước chẳng cần canh trên dưới, chỉ canh phải trái mà phóng. Ngay lúc đó “chủm”, một trái bứa từ ngôi nhà sàn cao nghệu nằm cạnh tán bứa rớt xuống gần con ếch. Nó buông cùi bắp, đạp nước vọt về phía bụi tre. Trong làn nước mờ tôi thấy cặp đùi ngon lành của nó no nưởng.
Một thằng đứng trên nhà sàn cười đắc ý. Tôi quay đầu chĩa phóng về hướng nó. Mũi chĩa bay một đường cong rớt xuống trôi tọt trên mặt nước, đâm vào một nống nhà. Tôi phóng cho bõ tức thôi chớ tầm cao đó không ai đủ sức làm khó cái thằng Đen Thui.
Tôi và Trần đặt tên nó là thằng Đen Thui. Trần giương nạng thun bắn bóc vô mái tôn dựng đứng của nhà Đen Thui. Trong nhà tiếng phụ nữ chửi um bằng tiếng Chăm nhưng không dám ló đầu ra. Hai đứa tôi bơi về.
Tôi còn ức cái thằng Đen Thui. Hôm sau tôi rủ Trần trở lại chòm bứa. Trần định giương nạng thun bắn mái nhà như hôm trước nhưng tôi cản. Hình như thằng Đen Thui không có nhà. Khúc chuối để dành bơi vô xóm không thấy cột bên mấy nấc thang. Tôi định bụng núp rình, đợi khi nó về sẽ đón đường trấn nước.
Trên nhà có tiếng rên hừ hừ và tiếng kêu. Tôi rủ Trần tới gần. Trần lắc đầu. Có tiếng kêu tên Da Pha rất yếu. Tôi bước lên thang nhà, hơi giật mình vì tiếng nước nhễu từ quần áo tôi chảy tong tong trên mặt nước.
Người trong nhà ốm lắm, nằm sát ván. “Da Pha, cạo gió cho tao”.
Tôi định bỏ đi. Nhưng lại nhìn thấy cái ly dầu, trong đó có một đồng xu nằm trên cái kệ nhỏ. Tôi thay đổi ý định. Cạo gió là nghề của tôi. Mỗi lần má đi đồng bị trúng nắng, mình mẩy ê ẩm, cạo gió mới hết bệnh. Tôi kiếm chỗ chùi khô tay vén lưng áo bà lên. Vú thòng, lưng ốm lòi xương. Sao mà giống lưng má tôi. Chỉ khác là bà má này mặc xà rông. Tôi cạo từng đường, quên mất bà là má của Đen Thui...
Thằng Đen Thui ôm cây chuối lội phăng từ trong xóm ra. Mắt nó thòi lòi như mắt ếch khi thấy tôi từ nhà nó xuống. Nhưng nó không hỏi gì, vắt nước trong xà rông rồi leo rút lên thang. Trần hỏi: “Chị lục cơm nguội nhà nó sao mà lâu vậy?”. “Tao làm thịt má nó”. Trần tái mặt. Tôi cười sằng sặc ôm cây chuối lướt trên mặt nước, bỏ chòm bứa lại sau lưng.
Ngày hôm sau Da Pha gặp tôi ở trường. Nó học cùng khối với tôi nhưng khác lớp. Gặp tôi nó không trợn lòi hai con mắt nhưng cũng không nói gì. Năm lớp tám tôi với nó lại học cùng lớp. Nó là thằng học khá nhất trong nhóm người Chăm tôi biết. Nó nói: “Má tao nhắc mày. Mày ghét tao mà thấy má tao vậy cũng giúp”. Tôi cười, tự đắc với hành động nghĩa hiệp của mình.
Tôi đã ít lặn lội như hồi năm ngoái. Má nói con gái lớn, lòn trong mấy lùm cây hoài sợ gặp mấy người “làm bậy” thì tiêu. Nhưng tôi hay ghé ngôi nhà có chòm bứa sau hè xóm Chăm chơi. Má Da Pha đúng là quý tôi. Có bữa bà kêu tôi ở lại ăn cơm. Tôi nhớ mình đi kiếm đũa nhưng chỉ gặp toàn muỗng. Thấy Da Pha ăn bốc, tôi cũng bắt chước ăn theo, “ăn đũa là coi thường hột ngọc trời cho”. Nhưng sao cơm trong tay nó gọn khô. Còn tôi cơm dính từ ngón út tới ngón cái. Đang ăn, Da Pha cười phun cơm khi thấy mấy hột cơm dính chóp mũi tôi.
Nhà Da Pha chỉ có hai mẹ con. Má Da Pha thương tôi vì một lẽ khác, nhìn tôi đen đen, mắt cũng sâu giống Pha Ti Máh con gái bà. Chị đã đi lấy chồng trong Lê Chánh từ hồi hai mươi. Mấy lần chị về chơi phải đi ban đêm. Tôi hỏi sao mà cực vậy. Má con mà ai cấm, kệ họ.
Da Pha kéo tôi ra sàn nước hướng mặt về chòm bứa kể chuyện về gốc tích người Chăm xứ Châu Giang. Tổ tiên Da Pha vì loạn lạc đã phải lang bạt nhiều nơi, cuối cùng trụ được ở xứ này. Những con người từng hoạn nạn có nhau, bám víu, nương tựa nhau lại cùng chung những điều cấm kỵ nên họ coi như một nhà. Cha Da Pha bệnh mất sớm, má nó cần hơn nữa sự che chở của dòng tộc, nhất là người chú khá giàu đang buôn bán ở Sài Gòn.
Da Pha kể nhiều, nó nói nguyên do vì sao thấy tôi đâm ếch lại tìm cách phá. Người Chăm không ăn cóc ếch rắn rùa. Đối với họ, tất cả các loài cá là Thượng đế tạo ra để nuôi con người, ăn được hết, kể cả cá nược. Hèn gì người Chăm giỏi nghề chài lưới. Hèn gì Trần nói họ có vẻ cách biệt với người Kinh. Họ đang gói mình trong nội bộ để dễ bề giữ gìn giới luật của đạo, để trọn lòng với thánh Ala. Có chồng ngoại đạo không bị cấm nhưng là một hình thức phá vỡ cái không gian riêng biệt được giữ kỹ từ lâu nên ai cũng tránh.
Kể tới đây, Da Pha nhìn tôi muốn rớt con mắt. Nhìn một hồi rồi nó thở dài. Cái thở của người con trai nghe vừa nồng ấm vừa xon xót. Y như là tôi đang cướp một món gì đó rất quý của nó mà nó không biết làm sao để đòi lại được.
Một buổi chiều không biết chuyện gì xảy ra trong bụng, nó chạy rút lên nhà tôi kéo tôi về nhà nó. Tôi tưởng má nó bệnh. Nhưng không phải. Nó lại kéo tôi ngồi bên chòm bứa. Định nói gì đó rồi thôi nhiều bận. Cuối cùng chỉ nói được câu “buồn quá”. Tôi định về nhưng nghe câu này của nó tôi ngồi nán lại.
- Sao Minh lại là người Kinh?
- Người Kinh rồi sao?
- Ăn uống không kiêng cữ, người Chăm không thích.
Tôi nổi giận đứng lên.
- Vậy chớ người Chăm cưới con dì con cậu ruột không kỳ sao. Đó là điều kiêng cữ trong di truyền nòi giống...
Chúng tôi nhìn nhau đầy trách giận. Những câu trẻ con xốc nổi không phải xúc phạm nhau mà xúc phạm cả cộng đồng. Không đứa nào đủ tỉnh táo để nói lời xin lỗi. Tôi ra về trong trạng huống bất bình, bỏ cả cơm chiều.
Tôi nghĩ là mình sẽ quên chòm bứa rất mau. Nhưng mỗi mùa nước về, giữa linh binh trời nước, nghe tiếng rao cá linh, bông điên điển hôn, tôi lại nuốt ực họng nước miếng đầy mùi canh chua bứa kèm một cơn đau. Mùa bứa, không khó để tôi có thể mua vài trái nấu một nồi canh chua. Nhưng bứa lấy từ bàn tay người bán rau cải khác xa bứa lấy từ cái lồng và người bẻ đang ngồi trên cây nhìn chăm chăm nụ cười mình để rồi... rớt nước.
Chị Cha Ri Giăh tiễn chúng tôi với nụ cười quyến luyến: “Mấy anh chị về bữa nào trở lại đây chơi nghe. Anh Da Pha có nhà chắc vui lắm. Ảnh khoái khách dữ dội. Bữa nay ảnh đi khám bệnh từ thiện tuốt bên biên giới nên không về được”.
Chị thủng thẳng bước trong cái xà rông được cách điệu như một cái váy dài phủ gót. Dáng đi thủng thẳng như không có việc gì phải gấp. Bầu trời này có sập cũng chẳng phải lo, người đàn ông lo hết rồi. Kiểu chậm rãi thong thả đó tạo cho người phụ nữ Chăm một nét quý phái, khiến tôi có cảm tưởng mỗi phụ nữ Chăm đều sở hữu đôi gót sen hồng.
Tôi là người có mụt ruồi dưới gót chân nên tất bật. Những lúc mệt mỏi tôi thoáng ao ước mình thành một người phụ nữ Chăm, khoan thai đón nhận đùm bọc của người đàn ông yêu thương mình hết bụng. Tôi sẵn sàng ngồi bên người mình yêu cầu kinh ngày năm sáu bận. Sẵn sàng vấn xà rông do người yêu mua tặng. Quanh năm tôi sẽ chỉ ăn cá hoặc những con vật do chính tay mình giết mổ, cầu kinh cho linh hồn nó mau về thiên đàng. Tôi cũng tin người yêu tôi sẽ cùng tôi về nhà nội ngày cúng giỗ ông bà. Mỗi đứa sẽ tưởng nhớ người xưa theo cách của mình.
Ao ước như thế sao tôi lại để vuột tầm tay một Da Pha hiền lành chân chất? Có phải những gì chúng tôi có với nhau chưa phải là tình yêu. Nếu yêu, có lỡ lời cũng dễ dàng tha thứ cho nhau, tìm tới với nhau nói thiệt nhiều câu xin lỗi. Cũng có khi do cái tuổi mười tám đôi mươi mà ra. Cái thời câu xin lỗi dường như chưa có trong vốn ngôn ngữ đầy ngạo ngược.
Giờ sắp nửa đời người rồi, trở về đây, tôi mỉm cười nhìn lại mọi kỷ niệm, kể cả cuộc chiến đã làm hai đứa thương tích nặng nề. Giận hay vui gì nó cũng trở thành một góc ấm trong ký ức. Mấy lúc buồn buồn bên tai tôi vẫn còn nồng nàn câu hát cũ:
Hãy nói với ông trời Karim đã yêu em. (*)

Nhận xét